Ngày xưa, khi những kênh tiếp thị truyền thống như báo giấy, đài, radio, truyền hình còn trong giai đoạn hoàng kim, người ta chỉ coi truyền thông xã hội như là một trào lưu. Tuy nhiên, ngày nay gần như không có doanh nghiệp nào là không tham gia vào kênh truyền thông có gần 60 triệu người Việt Nam đang sử dụng này cả.
Tính chung trên thế giới, Facebook hiện có hơn 2 tỉ người dùng có kích hoạt tài khoản hằng tháng, trong khi con số này của Instagram vào khoảng 1 tỉ. Theo nhận định của chuyên gia tư vấn tiếp thị kỹ thuật số Shane Barker, với nhiều khách hàng của ông là các công ty trong danh sách Fortune 500, thì tiếp thị bằng truyền thông xã hội cần phải nằm trong những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế không ít doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn với tiếp thị truyền thông xã hội, chủ yếu do không biết đánh giá hiệu quả của hoạt động này như thế nào. Theo Barker, việc này có thể trở nên đơn giản bằng cách sử dụng các thước đo sau đây.
Tại Việt Nam, Facebooker có khoảng gần 60 triệu người, còn instagram cũng đã cán mốc hơn 15 triệu người trong năm 2019.
Danh mục :
1. Số lượng tương tác trên bài viết (Like, bình luận, chia sẻ,lượt xem,…)
Đây là cách đơn giản nhất để đánh giá hiệu quả của hoạt động tiếp thị bằng truyền thông xã hội. Nếu doanh nghiệp có một trang kinh doanh trên các mạng xã hội thì có thể nhìn trực tiếp vào những bài đăng cảu mình hoặc có thể theo dõi thông tin này trong mục “Insights” (của facebook)
2. Tốc độ tăng trưởng số người theo dõi (followers)
Theo Barker, đây là một chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động tiếp thị bằng truyền thông xã hội và doanh nghiệp cần hướng đến sự tăng trưởng dương và liên tục. Nếu chỉ số này tăng trưởng không ổn định, doanh nghiệp nên tăng tần suất đăng bài viết. Nếu số người theo dõi giảm, doanh nghiệp nên đánh giá lại chiến lược tiếp thị bằng nội dung của mình. Những thông tin về số người theo dõi có thể được tìm thấy ở mục “Followers” trên trang Insight của Facebook và “Audience” (Khách hàng) từ trang Analytics trên Twitter.
3. Đề cập của khách hàng về doanh nghiệp trên truyền thông xã hội
Những thông tin này cũng rất quan trọng vì chúng sẽ giúp doanh nghiệp hiểu được khách hàng, biết công chúng nói gì về mình. Với những thông tin tiêu cực, cần khắc phục tình hình kịp thời trước khi chúng ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Ngược lại, số lần đề cập mang tính tích cực tăng lên sẽ là tín hiệu cho thấy các nỗ lực tiếp thị của doanh nghiệp đang có kết quả tốt. Facebook sẽ thông báo khi có ai đó “tag” (gắn thẻ) trang kinh doanh của doanh nghiệp lên bài đăng của họ. Tuy nhiên, doanh nghiệp thường sẽ không thể biết được nhiều thông tin về những đề cập của khách hàng nếu chỉ lệ thuộc vào trang Analytics của Facebook. Barker khuyên doanh nghiệp nên sử dụng những công cụ như Mention hay Hootsuite để tìm hiểu tốt hơn những thông tin này.
4. Tỷ lệ nhấp chuột vào đường dẫn
Trên trang Insight từ Facebook, doanh nghiệp sẽ biết được số lượt click vào bất cứ đường dẫn (link) nào mà doanh nghiệp chia sẻ như trang web, đường đi đến doanh nghiệp, số điện thoại… Số lượt click sẽ cho biết những khách hàng truy cập vào Facebook của doanh nghiệp có thật sự quan tâm, muốn tìm hiểu thêm về doanh nghiệp hay không.
5. Số lượt truy cập vào trang web
Mục tiêu cuối cùng của bất cứ một chiến dịch tiếp thị nào cũng là tăng doanh số. Và doanh nghiệp có thể thực hiện mục tiêu này bằng cách sử dụng tiếp thị bằng truyền thông xã hội để tăng số lượt truy cập vào trang web của doanh nghiệp. Theo Barker, Google Analytics là một công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp theo dõi lượng truy cập đến trang web của doanh nghiệp, xuất phát từ các hoạt động của doanh nghiệp trên truyền thông xã hội.
6. Lượt tiếp cận (Reach)
Đây là chỉ số cho biết số lượt người đã xem bài đăng của chúng ta. Tất nhiên, lượng tiếp cận càng cao chứng tỏ bài viết đó có hiệu quả và sức lan tỏa lớn.