7 Cách đơn giản để kiềm chế nóng giận

Trong cuộc sống, không ai là không gặp những khó khăn, rắc rối hay stress trong công việc và các mối quan hệ. Vào những khoảnh khắc ấy, hãy luôn cố gắng giữ bình tĩnh để không làm tổn thương người khác bằng những câu nói khó nghe hoặc những hành động nóng nảy. Dưới đây là 7 cách đơn giản giúp bạn bình tĩnh lúc nóng giận.

1. Dừng cuộc trò chuyện, ra ngoài và tiếp xúc với thiên nhiên hoặc không gian rộng lớn

Nếu bạn đang không giữ nổi bình tĩnh hoặc đang trong trạng thái tức giận với ai đó thì hãy dừng ngay cuộc cãi vã, tranh luận lại. Hãy bước ra khỏi nhà hoặc ra ban công hay những nơi có không gian rộng lớn để tiếp xúc với thiên nhiên, tiếp xúc với một ít gió trời và quang cảnh bên ngoài. Những điều này có thể làm nguôi cơn giận của bạn và giúp bạn minh mẫn hơn trong lời nói.

2. Quay lại tự hỏi mình một số câu hỏi

Đừng bao giờ phản ứng lại khi bạn đang thực sự bị kích động vì bấy giờ bạn giống như là một nồi nước sôi vậy. Hãy nhìn vào trong tâm mình và tự hỏi một số câu để đánh giá tình hình như: Mình có thể chịu được tình huống khó chịu này không? Mình có hiểu lầm gì không? Sự việc này có đáng không? Lúc giận dữ trông mình như thế nào nhỉ? Mặt mình có đỏ lên không? Mình có vung tay vung chân không? Liệu mình có muốn làm việc với ai giống như mình bây giờ không? Dĩ nhiên là không.

Việc bận rộn với những câu hỏi trên sẽ khiến não bộ của bạn được bảo vệ tránh phản ứng thái quá. Chúng rất hữu ích cho những người đang tức giận.

3. Tuyên bố rằng bạn muốn làm một điều gì đó có ích hơn và cần bình tĩnh, rồi tập trung vào đó

Bạn không thể kiểm soát được hành vi của người khác nhưng có thể kiểm soát được hành vi của chính mình. Khi chấp nhận được suy nghĩ này, bạn đã tiến thêm một bước nữa trên con đường kiểm soát bản thân trước cơn giận dữ. Điều tiếp theo là hãy nghĩ đến một số việc mà bạn muốn làm trong một giờ nữa, hoặc trong vài ngày tới, tuyên bố rằng bạn muốn tập trung vào những điều này. Suy nghĩ của bạn sẽ dịch chuyển ra khỏi cơn tức giận và hướng tới những điều khiến bạn vui vẻ hơn.

4. Đặt tên cho cảm xúc tiêu cực của bạn

Kevin Ochsner, một giáo sư khoa Tâm lý thuộc đại học Columbia cho rằng, việc cố gắng ngăn chặn một cảm xúc tiêu cực có khi sẽ khiến nó phản tác dụng và quay ngược trở lại tấn công bạn. Vì thế, nếu bạn có cảm giác khủng khiếp, hãy đặt cho nó một cái tên: bực mình, thất vọng, buồn chán? Hãy cố gắng suy nghĩ một hai từ để dán nhãn cho cảm xúc tiêu cực này, bạn sẽ thấy chúng giảm đi đáng kể.

5. Gạt bỏ hết những suy nghĩ nóng nảy trong đầu

Điều này bao gồm những tư tưởng oán thù và những suy nghĩ như “thật không công bằng”… Những suy nghĩ này không giúp được gì cả. Chúng chỉ làm cho sự tức giận của bạn tồi tệ hơn. Hãy gạt bỏ chúng và bạn sẽ thấy mình dễ dàng bình tĩnh hơn. Ngoài ra, hãy tránh sử dụng những câu như “Anh luôn làm như vậy” hay “Anh không bao giờ biết lắng nghe người khác”, “Tốt hơn là anh nên…”, v.v… Những cách nói này sẽ khiến tình hình trầm trọng thêm. Thay vào đó, hãy tập trung suy nghĩ vào những điều tích cực, bạn sẽ thấy chúng hiệu quả hơn và xua tan cơn bực bội.

7 cách đơn giản giúp bạn giữ bình tĩnh trong lúc giận
Hãy gạt bỏ hết suy nghĩ nóng nảy trong đầu

6. Hãy viết chúng ra

Nếu bạn vẫn cảm thấy không vui sau khi đã cố gắng loại bỏ cảm xúc tiêu cực, vậy hãy viết nó ra. Viết ra cảm xúc của bản thân là cách để giữ bình tĩnh rất tốt bởi vì nó cho phép bạn có thể phân tích và làm sáng tỏ sự phức tạp của vấn đề, từ đó đi đến một giải pháp. Nó cũng khiến cho não của bạn đào thải sự việc đó ra vì nó đã được lưu lại cố định ở một chỗ khác rồi.

7. Ngừng lại và hít một hơi thở sâu

Việc đầu tiên bạn nên làm là ngừng hết mọi suy nghĩ và hít một hơi thở sâu. Đừng làm bất kỳ điều gì một cách vội vã, bởi vì bạn có thể sẽ phải hối hận sau đó. Hãy nhắm mắt lại, đếm từ 1 đến 10 rồi sau đó hít một hơi thở sâu.

Hít thở sâu giúp tăng lượng máu lên não, đồng thời cũng là quãng thời gian giúp bạn bình tĩnh lại và suy nghĩ sáng suốt hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi Ngay !