Dù là nhà văn nhưng tôi là một người khá lười. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên, đặc biệt là những ai vẫn thường nghĩ rằng tôi “kiếm sống” bằng việc viết thật nhiều sách. Khi được nghỉ một ngày, tôi chỉ thích nằm dài trên ghế, xem phim trên Netflix hoặc đọc sách. Nếu được nghỉ cả tuần, thay vì đi du lịch đâu đó, tôi lại chọn ở nhà ăn bánh pizza. Thật may mắn là, việc lười này chẳng những không gây tai hại gì mà còn khiến tôi làm việc hiệu quả hơn.
Đó là những chia sẻ của Chris Balley – một nhà văn và nhà tư vấn năng suất người Canada, đồng thời là tác giả của Dự án năng suất. Lười biếng quả thực là một nghệ thuật đang dần bị quên lãng. Đối với Chris, lười biếng không có nghĩa là xao lãng trong mọi việc mà chỉ là thỉnh thoảng chủ động cho phép bản thân đươc nghỉ ngơi, không phải lo lắng chuyện gì. Trong một thế giới có quá nhiều thứ khiến con người dễ xao lãng, chúng ta hiếm khi tạo cơ hội cho tinh thần được nghỉ ngơi hoàn toàn mà lại chọn làm những điều thậm chí khiến mình thêm mệt mỏi như kiểm tra email, đọc báo, lướt Facebook…
Trong bất kì thời điểm nào đó, chúng ta có thể rơi vào một trong hai tình trạng: tập trung hoặc không tập trung. Việc tập trung khiến chúng ta hoàn thành công việc hiệu quả, có những cuộc trò chuyện ý nghĩa và cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng theo kết quả của một cuộc khảo sát, sự thiếu tập trung cũng mang lại rất nhiều lợi ích, nổi trội là kích thích sự sáng tạo.
Hãy nhớ lại lần cuối bạn cho ra đời một ý tưởng độc đáo – liệu bạn có thể nghĩ ra được không nếu lúc đó bạn đang quá tập trung nghĩ về nó?
Ý tưởng thường đến bất chợt vào những thời khắc chẳng ai ngờ đến như khi đang tắm, chạy bộ, tham quan bảo tàng, đọc sách, nằm thư giãn trên bãi biển, hay nhấm nháp ly cà phê đen đậm vào sáng sớm…
Vậy, lí do khiến não của bạn chọn những khoảnh khắc có phần kì lạ như thế để “sinh sản” ra ý tưởng là gì? Khi trong tình trạng “lười”, con người thường hay suy nghĩ vẩn vơ nhưng hầu hết đều hướng về những điều tạo cho họ cảm giác thoải mái.
Một cuộc nghiên cứu tâm lý được tiến hành cho ra quả kết quả: khi không tập trung nghĩ về một điều nhất định, 48% tâm trí con người liên tưởng về những điều sẽ diễn ra trong tương lai, 28% liên quan đến hiện thực, và 12% là hồi tưởng về quá khứ.
Từ kết luận này có thể thấy, không phải chỉ có tập trung suy nghĩ về một vấn đề mới tìm ra được giải pháp mà đôi khi chẳng cần quá băn khoăn về chúng cũng có thể lần ra được một đáp án hay. Việc để cho tinh thần nghỉ ngơi, cởi bỏ hoàn toàn những lo toan mang đến ba lợi ích:
1. Sự thư giãn, thoải mái
“Tâm” không vướng bận thì “thân” cũng được dịp thư giãn. Khi không phải tập trung nghĩ về điều gì thì chúng ta không phải cố gắng điều tiết các luồng suy nghĩ của mình sao cho về đúng hướng. Giai đoạn này, não chúng ta sẽ được “nạp năng lượng”, tạo đà cho những ý tưởng đột phá sau đó. Ngoài ra, cho tâm trí được nghỉ ngơi bằng cách làm những điều mà bạn cảm thấy thích thú, thoải mái cũng là cách để não có thêm thời gian “thai nghén” nên nhiều ý tưởng tuyệt vời.
2. Có kế hoạch
Nghiên cứu cho thấy, con người nghĩ về tương lai gấp 14 lần, và nghĩ về quá khứ gấp 7 lần khi tâm trí đang “thư giãn” so với khi quá tập trung nghĩ về một vấn đề nào đó. Vì vậy, bạn sẽ dễ dàng hồi tưởng quá khứ, nghĩ đến tương lai, từ đó đặt ra cho bản thân những mục tiêu và kế hoạch phù hợp nhất.
3. Khả năng tạo nên những ý tưởng sáng tạo đột phá
Khi không phải tập trung nghĩ về một vấn đề, não con người có đến ba luồng suy nghĩ: quá khứ, hiện tại và tương lai. Suy nghĩ càng rộng, ý tưởng nảy ra càng đa dạng. Ví dụ, bạn có thể nhớ lại và áp dụng những giải pháp tưởng chừng như “đã cũ” mà mình vô tình đọc được ở một trang báo chuyên ngành để giải quyết những rắc rối trong công việc mà hiện bạn đang gặp phải.
Một trong những mẹo hay để giải quyết vấn đề mà bạn có thể áp dụng, đó chính là “lục lọi” những kinh nghiệm mà bạn đã tích lũy được trước đó, vận dụng giải quyết chuyện hiện tại, và dự đoán trước kết quả trong tương lai. Ngoài ra, đối với những ai biết thư giãn đầu óc đúng cách thì, có thể nói, “ngồi không” không có nghĩa là họ lười biếng, là không chịu làm việc, hay thiếu trách nhiệm; mà chính xác là họ đang lao động trí óc một cách âm thầm nhưng mang đến kết quả vô cùng khả quan.
Nếu được, hãy thử “lười biếng” hơn một chút. Nghe có vẻ khó tin, thế nhưng đôi khi cách tốt nhất để tìm ra một giải pháp đột phá lại là “chẳng cần phải làm gì cả”!