3 “level” của kỷ luật bản thân

Bạn càng nỗ lực thì càng may mắn, càng sống kỷ luật thì càng tự d, càng thành công. Sống kỷ luật là một loại năng lực, người có năng lực này sẽ ngày một ưu tú, ngày một thành công, và cuộc sống của họ cũng sẽ ngày một tốt hơn. Nói cách khác, sống kỷ luật là một điều tất yếu trên con đường dẫn bạn đến thành công.

Nhưng sống kỷ luật không chỉ đơn thuần là dậy sớm ngủ sớm, kiên trì sinh hoạt làm việc mạnh khỏe, hiệu quả. Nhìn chung, việc đưa chính mình vào “khuôn khổ” này có tổng cộng ba “level”.

Sinh hoạt có kỷ luật

Sinh hoạt kỷ luật, tức là tập cho mình những thói quen sống tốt đẹp, ăn nói hành xử có chừng mực. Ngày ngày ăn ngon ngủ tốt, kiên trì rèn luyện, không ngừng học tập, miệng nói lời tốt đẹp, hành xử có nguyên tắc.

Trong chuyện ăn uống, bạn phải duy trì một thói quen ăn uống có lợi cho sức khỏe. Dùng bữa đúng giờ, ăn vừa đủ không để quá no, không ham vui quá chén, cũng đừng ăn đêm. Mấy thứ đồ ăn nhanh, không dinh dưỡng không đảm bảo cũng nên bỏ hẳn, để tránh bệnh vào từ đường miệng.

Về giấc ngủ, bạn nên ngủ sớm dậy sớm. Đừng thức khuya, thức khuya thực sự rất hại thân.

Ngoài ra, phải để ý lời ăn tiếng nói hàng ngày, chú ý hoàn cảnh, đối tượng khi nói. Hãy tôn trọng người khác, đừng nói lời làm tổn thương người ta, tránh họa từ miệng mà tới.

Cuối cùng, phải duy trì quy tắc làm người của mình. Giới hạn đạo đức và hành vi làm nên chính con người bạn, nhất định không được để mất.

Dục vọng có kỷ luật

Dục vọng là thứ một khi đã tới thì sẽ cuồn cuộn như nước lũ, nếu bạn không khống chế nổi nó, bạn sẽ bị nó nuốt chửng. Nhưng ngược lại, nếu bạn không chế được nó, có thể đưa nó vào kỷ luật, vào khuôn khổ, thì nó sẽ trở thành động lực giúp bạn tiến lên.

Thế nào là dục vọng có kỷ luật? Dục vọng có kỷ luật, là khi bạn biết cách loại bỏ những ham muốn dư thừa quá đáng tồn tại trong mình, thanh tâm quả dục, đưa chính mình về với tấm lòng thuở ban đầu, với cái tâm hướng thiện. Kiên trì với phương hướng ban đầu, học cách biết thỏa mãn.

Trên đời này có không ít người vì dục vọng quá mạnh mẽ không thể khống chế, mà cuối cùng để mình sai một ly đi một dặm, trượt dài trong những sai lầm.

Kỷ luật về mặt tâm hồn

Bắt cả linh hồn mình nằm trong khuôn khổ kỷ luật là việc khó nhất. Nó gần như một dạng “tu hành”, còn về việc sau đó có thể thành công hay không thì không ai nói trước được.

Một tâm hồn có kỷ luật, là khi bạn học được cách bình tĩnh trước mọi việc, hiểu được vạn sự tùy duyên, cầm lên được thì cũng buông xuống được, quên được những gì cần quên, buông xuống được những gì không thể giữ mãi, loại bỏ tạp niệm, để lòng mình thanh tĩnh.

Cũng giống như việc rèn luyện thói quen sống kỷ luật, rèn luyện kỷ luật cho tâm hồn cũng cần rất nhiều kiên trì và cố gắng. Làm sao để tập, để tu, để ngộ, và quá trình đó là như thế nào, sau rồi sẽ chỉ có mình bạn biết. Nhưng khi nhìn những điều được nhận lại, nhất định bạn sẽ thấy đáng giá.

Trong cuộc sống, bạn sẽ gặp phải rất nhiều chuyện không thể đoán trước, những vui vẻ và buồn đau, trói buộc và cố chấp không ngừng sinh ra sẽ dễ khiến bạn hoang mang lạc lối. Chỉ khi linh hồn bạn đã quen với kỷ luật, biết rõ điều gì nên làm điều gì không, điều gì có thể điều gì không, bạn mới có thể dễ dàng chọn cho mình con đường đúng đắn. Và rồi đau khổ sẽ nhanh chóng qua đi, ánh dương sẽ sớm trở lại bên bạn.

Dù sao đi nữa, chúng ta cũng không thể phủ nhận tác dụng tích cực của việc sống kỷ luật. Rất nhiều người trong số chúng ta đều đang hướng đến một cuộc sống kỷ luật hơn, có người loay hoay mãi ở điểm bắt đầu, có người đi được nửa đường rồi lại bỏ cuộc, cũng có những người đã đi được rất xa. Thực ra sống kỷ luật, cũng có nghĩa là rèn luyện và khắc chế bản thân, bạn kiên trì được bao nhiêu, tức là bạn có bấy nhiêu khả năng khống chế cuộc đời mình. Bạn đang rèn luyện đến “level” nào rồi?

Xem thêm bài viết: 5 kĩ năng cần có để tạo nên thành công

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi Ngay !